“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm phục hồi mạnh nhất thế giới

                                                        Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội
.
Liên tiếp phá những ngưỡng kháng cự quan trọng và đặc biệt là nguồn tiền đổ vào thị trường vượt ra ngoài những ước đoán lạc quan nhất, TTCKVN đang ở trong nhóm thị trường tài chính phục hồi mạnh nhất thế giới.

Vốn đầu tư gián tiếp: Góc nhìn khác

Khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu sẽ làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đó là nhận định được chấp nhận phổ biến thời gian qua. Thực tế dòng vốn FDI vào VN trong 4 tháng đầu năm 2009 đã sụt giảm đáng kể. Thời điểm 2008, sự co cụm của các tổ chức tài chính quốc tế đã tạo nên một làn sóng bán trái phiếu chính phủ ồ ạt, thậm chí chấp nhận hạ giá.

Nhiều phân tích cũng dự báo rằng dòng vốn gián tiếp (FII) vào VN năm 2009 cũng khó có thể mạnh, nếu không muốn nói là rất yếu. Nguyên nhân cơ bản không chỉ là vấn đề vốn, mà còn là những cơ hội đầu tư tại chính quốc khi TTCK toàn thế giới đều suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, mới đây, GĐ bộ phận phân tích của CTCK Kim Eng, King Yoong Cheah lại đưa ra một góc nhìn khác về sự lựa chọn cơ hội của dòng vốn đầu tư gián tiếp quốc tế đối với các thị trường mới nổi, trong đó có VN.

"Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn tổ chức đầu tư đổ vốn tham gia vào sự tăng trưởng của các TTCK mới nổi hơn là đầu tư vào chính TTCK Mỹ", báo cáo chiến lược 2009 của Kim Eng viết.
 
Hai lý do chính được đưa ra là những thị trường mới nổi có hệ số beta cao (hệ số thể hiện tương quan thay đổi của CK/danh mục đầu tư so với thị trường) sẽ giúp các tổ chức đạt được lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư tại TTCK Mỹ.

Đặc biệt, việc lựa chọn các khoản đầu tư có hệ số beta cao sẽ là giải pháp tốt nhất để sửa sai vì rất nhiều tổ chức cũng bị "nhỡ sóng" hai tháng vừa qua. Lý do thứ hai là các chỉ số của Mỹ thường được sử dụng làm thước đo cho tính hiệu quả của danh mục đầu tư.

Việc lựa chọn một danh mục mạnh hơn thị trường không hề dễ dàng vào lúc này. Điều này có vẻ phù hợp với nhận định của nhà đầu cơ huyền thoại George Soros khi cho rằng các thị trường tài chính mới nổi sẽ đề kháng tốt hơn và ra khỏi khủng hoảng sớm hơn các thị trường khác.

"Tiềm năng của dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đổ vào các thị trường mới nổi sẽ nạp thêm năng lượng cho chu kỳ tăng giá đang diễn ra và các thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các thị trường đã phát triển", báo cáo nhận định.

Cũng theo phân tích này, TTCK VN sẽ là một trong những thị trường mạnh nhất khu vực. TTCKVN tăng ngay cả khi thị trường thế giới trầm lắng. VN-Index tăng rất nóng khi thị TTCK thế giới đi lên và vẫn tiếp tục tăng mạnh nếu thị trường khu vực đi ngang.
 
"Chúng tôi cho rằng những đặc điểm mang tính phòng thủ nhưng cũng đầy hấp dẫn của thị trường vốn VN sẽ khiến thị trường này đáng quan tâm hơn đối với các NĐT tổ chức".

Đứng về phân tích cơ bản, báo cáo cho rằng thị trường VN hấp dẫn ở chỗ tăng trưởng vẫn ổn định ở mức dương, CPH được triển khai, tiếp tục nới lỏng tiền tệ, lợi nhuận của DN niêm yết vẫn tốt.

Sức mạnh từ nội lực

Thống kê sơ bộ giao dịch tại HoSE và HaSTC từ đầu năm đến nay, dòng vốn nước ngoài chỉ thực sự mua mạnh từ giữa tháng 3, tức là khi VN-Index mới khởi động sóng tăng được ít ngày. Có vẻ lần này khối ngoại bắt nhịp khá tốt với thị trường vì căn cứ vào quá khứ, khối này thường mua mạnh đúng đỉnh. Tính từ ngày 16.3.2009 đến nay, tổng giá trị mua ròng của NĐTNN qua khớp lệnh trên sàn HoSE vào khoảng  1.287 tỉ đồng trong tổng lượng vốn 4.744,8 tỉ đồng được rót vào thị trường từ tài khoản nước ngoài.

Điều đó cho thấy động lực đằng sau sự tăng trưởng đang diễn ra chủ yếu xuất phát từ NĐTTN hay chính xác hơn là của lượng vốn đăng ký thông qua tài khoản của NĐTTN. Theo phân tích của Kim Eng, một điểm khá đặc biệt là các thị trường tài sản nói chung chứ không riêng gì TTCK đều nóng. Phân tích này cho rằng thanh khoản nội địa là nguyên nhân chính của sự tăng giá các loại tài sản. 

"Thanh khoản nội địa của VN ở mức rất cao nhờ tăng trưởng kinh tế. Luồng tiền này được giữ trong nước do kiểm soát ngoại hối. Khó có thể định lượng được luồng tiền này do tỉ lệ thanh toán qua ngân hàng chỉ dưới 20%,nhưng chúng tôi cho rằng đây là một lượng tiền đáng kể. Ngoài ra chúng tôi không bỏ qua khả năng một phần tín dụng được cấp theo gói kích cầu đã được dùng để đầu tư vào các loại tài sản".

Thực tế vừa qua xuất hiện hiện tượng chính những CP được NĐTNN bán tháo mạnh nhất lại được NĐTTN mua nhiều và giá tăng nóng. Điển hình là VCG bị hai quỹ Balestrand Limited và Grinling International Limited bán ra gần 2,5 triệu đơn vị mới đây, nhưng giá liên tục tăng trần. Hay có hiện tượng NĐTNN "mới" tranh mua với NĐTTN ở những mã mà NĐTNN "cũ" xả như HPG, STB...

Theo số liệu của trang web www. indexq.org - nơi tập hợp thông tin từ các chỉ số CK chính trên thế giới, VN-Index (tăng 34,67%) nằm trong nhóm những chỉ số tăng mạnh nhất trên thế giới tính từ đầu năm 2009 đến nay. Cụ thể, tại Châu Á, VN chỉ thua Indonesia (36,97%), Ấn Độ (41,86%), Trung Quốc (42,17%). So với Châu Âu, VN thua Nga (57,93%). So với Châu Mỹ,VN thua Brazil (35,33%, Argentina (44,71%), Peru (76,5%). Nếu tính theo chu kỳ sóng tăng từ thời điểm chạm đáy ngày 24.2.2009, VN-Index có lẽ thuộc loại dẫn đầu thế giới với mức tăng 80,48%.

Hoàng Nguyên