Chạy đua lãng phí
Năm 2005, Bộ Bưu chính - Viễn thông lúc bấy giờ cùng các DN đã bàn đến vấn đề cần có "hiệp hội" - vấn đề then chốt để các DN viễn thông tìm tiếng nói chung. Thế nhưng, khi điều này không được thiết lập, các DN vì lợi ích cục bộ, vì sự cạnh tranh đã có sự chia rẽ, phân tán.
Theo một chuyên gia viễn thông thì thực tế, các DN hoàn toàn có thể hợp tác, tận dụng hạ tầng để cùng khai thác có hiệu quả khoản đầu tư. Thế nhưng vì cạnh tranh, các DN đã không có được cơ hội này. Vì thế, sau khi ra đời, Viettel bắt đầu bỏ cả núi tiền ra để đầu tư hệ thống, trong đó có hệ thống trạm thu phát sóng (BTS). Cuộc đua buộc MobiFone và VinaPhone vào cuộc.
Kết quả là mỗi DN cho đến nay sở hữu tới vài ngàn trạm BTS; trong khi mỗi trạm có suất đầu tư từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Việc thiếu tinh thần hợp tác, dư thừa hạ tầng đã khiến các DN lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính, con người và công nghệ.
Một ví dụ khác là trước đây, ngay trong cùng VNPT; song MobiFone và VinaPhone cũng không thể hợp tác. Hệ quả là cùng hệ mạng GSM, song khách hàng của 2 "DN con" của VNPT lại không thể roaming sóng di động với nhau. Từ đây còn tạo hệ lụy khác là chất lượng dịch vụ và quyền lợi khách hàng bị sụt giảm.
Tuy nhiên, sự lãng phí và bất cập nhiều hơn thế, khi toàn bộ hệ thống DN trong và ngoài lĩnh vực viễn thông không thể bắt tay nhau. Cụ thể, hiện VN có hơn 60 DN viễn thông và cả chục DN được phép thiết lập hạ tầng mạng. Thế nhưng, tất cả các khoản đầu tư đều bị xé lẻ. Tình trạng "mạnh ai người ấy làm" đã phá nát hạ tầng thiết yếu.
Các chuyên gia phân tích: Trên cùng một tuyến đường, nếu các DN bắt tay được với nhau thì chỉ cần một lần đào đường, một lần chôn cáp, một lần hoàn trả mặt bằng là xong. Thế nhưng khi bất hợp tác, 10 DN muốn triển khai cáp thì sẽ phải lặp lại quy trình trên 10 lần.
Bên cạnh đó, việc các DN phát triển theo lợi ích cục bộ đã khiến không ít hệ thống công nghệ không đồng bộ chuẩn. Vì thế, dịch vụ và thiết bị đã không thể tích hợp được với nhau; hoặc mỗi khi thay đổi và nâng cấp, DN sẽ phải phá đi, làm lại từ đầu.
Không dễ tìm kiếm sự hợp tác
Mặc dù Bộ TTTT tổ chức hội nghị lần này nhằm tạo cơ hội cho các DN tìm kiếm sự hợp tác, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc. Thế nhưng, đây là điều thực sự không dễ dàng; lý do là bởi có quá nhiều "yếu tố lịch sử" để lại không ít những hệ lụy, khiến việc hợp tác là điều quá khó. Bên cạnh đó, cũng có nhiều DN khác - thuộc các lĩnh vực khác - vẫn đang đi trên con đường của riêng mình.
Một ví dụ điển hình là sau thời gian dài, mâu thuẫn trong việc tăng phí treo cáp giữa EVN với các DN viễn thông vẫn chưa đến hồi kết. Trên thực tế, Bộ TTTT cũng khó đưa ra giải pháp chung khi mà EVN thuộc Bộ Công Thương, Viettel thuộc Bộ Quốc phòng và nhiều DN khác thuộc nhiều bộ chủ quản khác.
Từ cái khó này đã khiến nhiều DN viễn thông và cả người dân chịu hệ lụy khi mà việc "cắt cáp" đồng nghĩa với việc cắt đứt dịch vụ đang diễn ra ở một số địa phương. Hay như mục tiêu đến năm 2010 "ngầm hóa" các tuyến cáp tại Hà Nội và TPHCM đến nay cũng có nguy cơ... hỏng, khi mà các cấp ngành, địa phương và DN không thể đưa ra được giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên từ cấp độ vĩ mô, việc tìm kiếm tiếng nói chung còn khó gấp nhiều lần. Đã có lúc, Viettel có ý định đứng ra thiết lập hạ tầng chiến lược mang tầm quốc gia, đảm bảo cho việc dùng chung và nhu cầu phát triển của các DN viễn thông trong vài chục năm tương lai. Song điều đó đã không thể xảy ra, bởi quá khó để có được sự đồng thuận từ phía các địa phương, ngành xây dựng và các DN...
Với sự phân tán về chủ trương, chia rẽ trong giải pháp, manh mún trong đầu tư và mâu thuẫn khi phát triển đã khiến hạ tầng viễn thông bị lãng phí nghiêm trọng. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia, các DN viễn thông hy vọng hội nghị sẽ giải quyết được những vấn đề trước mắt; trong khi đó, khó có thể kỳ vọng vào sự hợp tác mang tính chiến lược, bền vững và lâu dài trong việc dùng chung hạ tầng vào phát triển lĩnh vực kinh tế viễn thông tương lai.