“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tranh cãi việc đưa hai "đại gia" bia rượu lên sàn

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và Bộ Công Thương đang tranh cãi quyết liệt về việc đưa Habeco và Sabeco, hai doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, lên sàn chứng khoán.

Niêm yết sẽ trái luật

VAFI cho biết, từ đầu năm đến nay, họ đã không dưới hai lần gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương là cơ quan quản lý cũng là người nắm giữ phần vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco về việc đưa hai doanh nghiệp này lên sàn.

Tuy nhiên, đề xuất gửi đi mà không hề có phản hồi. Chờ đợi hơn 2 tháng, VAFI đành gửi đề xuất lần nữa lên Bộ trưởng Bộ Công Thương mới nhận được câu trả lời.

Lý do cơ quan quản lý chưa muốn  Habeco và Sabeco lên sang là Nhà nước nắm trên 80% vốn. (Ảnh: VNN)

Theo VAFI, đưa Habeco và Sabeco lên sàn chắc chắn sẽ tạo ra lượng hàng hoá cho thị trường chứng khoán và nhất là hai DN làm ăn có hiệu quả này sẽ thu hút thêm nhà đầu tư đến sàn chứng khoán.

Bên cạnh đó, niêm yết là cách tốt để hai DN trên nâng cao hiệu quả kinh doanh và minh bạch hóa trong quản lý, gia tăng giá trị phần vốn Nhà nước.

Đặc biệt, việc hai "đại gia" bia rượu cùng một số ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank sẽ làm thay đổi cơ cấu và qui mô hàng hoá của thị trường chứng khoán, làm nền tảng cho thị trường này phát triển.

Tuy nhiên, sau khi nhận được đề xuất trên, Bộ Công Thương đã tỏ rõ quan điểm là chưa thể niêm yết hai DN này. Một trong những lý do nêu ra là chưa đáp ứng yêu cầu của luật.

Bộ Công Thương cho rằng, theo quy định của Luật Chứng khoán, DN niêm yết phải có 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết được nắm giữ bởi 100 cổ đông. Trong khi đó ở Sabeco, Nhà nước nắm giữ 89,5% và Habeco, Nhà nước nắm giữ 81,7% nên không đủ điều kiện niêm yết.

Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược của Habeco là Carlsberg hiện chiếm 16% cổ phần, nhưng lại chưa được bán ra thị trường vì còn phải nắm giữ đủ thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, cách giải thích này bị VAFI phản bác và cho là không hợp lý. Một trường hợp được dẫn ra để phản bác lại ý kiến này là Vietcombank. Hiện, Nhà nước nắm giữ gần 88%/vốn điều lệ nhưng mới đây DN này vẫn được chấp thuận niêm yết với tỷ lệ 9,2%/vốn điều lệ.

VAFI còn giải thích thêm, tuy hiện nay Uỷ ban Chừng khoán Nhà nước  đang soạn thảo văn bản hướng dẫn niêm yết những doanh nghiệp lớn cổ phần hoá, tuy nhiên vẫn giải quyết cho từng trường hợp tiếp theo như Sabeco và Habeco.

Đừng ngại giá thấp

Một lý do được đơn vị quản lý vốn Nhà nước cho rằng chưa đến thời điểm niêm yết là giá chứng khoán xuống thấp. Việc niêm yết sẽ khó thành công và ảnh hưởng quyền lợi của các cổ đông và Nhà nước mà không tác động  theo hướng có lợi cho thị trường chứng khoán.

Bộ Công Thương giải thích, việc mua bán cổ phiếu của hai đơn vị này khối lượng nhỏ và giá trị thấp, thấp hơn cả giá ưu đãi và chủ yếu là giao dịch giữa cán bộ công nhân viên. Nên việc định giá niêm yết sẽ rất khó để vừa bảo toàn vốn Nhà nước và quyền lợi cổ đông, nếu giá niêm yết thấp hơn cả giá ưu đãi khi cổ phần hóa.
 

VAFI lại cho rằng để Sabeco và Habeco  lên sàn sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển của  thị trường chứng khoán. (Ảnh: VNN)

Thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác, VAFI nói rằng, Sabeco và Habeco thực hiện IPO ở thời kỳ thị trường chứng khoán  tăng nóng nên giá phát hành rất cao và dĩ nhiên là người lao động không hưởng lợi từ việc mua ưu đãi.

Còn để Sabeco và Habeco đạt được giá cao như trước, thậm chí cao hơn trước thì công tác quản trị những doanh nghiệp này phải được thay đổi triệt để, lợi nhuận làm ra phải cao hơn nhiều so với thời kỳ trước cổ phần hoá.

Không thể có chuyện chậm đổi mới quản trị, hoạt động không minh bạch thông tin mà đòi hỏi đạt được giá bán phần vốn Nhà nước ở mức cao. Và niêm yết là cách thức tạo ra sức ép thực hiện phương thức quản trị tiên tiến, bù đắp sự yếu kém về công tác quản lý cổ phần Nhà nước, đại diện VAFI lập luận.

Theo tính toán của VAFI, Bộ Công Thương cũng không nên quá lo ngại về thị trường xuống thấp, vì nền kinh tế bắt đầu tiến trình hồi phục từ quý II/2008, thị trường chứng khoán đã ổn định và  phục hồi theo.

Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu, nhất là vào thời điểm quý III, IV/2009. Hơn nữa, để được niêm yết là cả một quá trình hoàn tất thủ tục kéo dài khoảng 6 tháng. Vì vậy, cần tính chuyện niêm yết ngay từ bây giờ.

Cho đến thời điểm này, khi các công ty niêm yết đã hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính quý I/2009 thì các cổ đông của Sabeco và Habeco không hề nhận được báo cáo tài chính của năm 2007, 2008.

Hai doanh nghiệp này đã hoàn thành IPO và cổ phần hóa từ rất lâu (Sabeco hoàn thành ngày 17/4/2008 và Habeco là ngày 15/8/2008). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hai doanh nghiệp này vẫn chưa làm thủ tục với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để đăng ký trở thành công ty đại chúng.

  • Phước Hà