“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Đón làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc

Ông Dương Chính Thức -Ảnh: Việt Dũng

TT - “Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào VN xuất hiện và đi vào chiều sâu” - ông Dương Chính Thức (nguyên đại sứ VN tại Hàn Quốc, hiện là phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Hàn) nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 8 đến 10-11.

Ông Thức cho biết:

Ba bài học từ kỳ tích sông Hàn

Có ba bài học từ kỳ tích sông Hàn mà tôi tâm đắc. Thứ nhất, Hàn Quốc tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành các tập đoàn lớn (tư nhân) làm đầu tàu kéo cả nền kinh tế đi lên. Vì vậy cùng với việc thí điểm xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước, chúng ta cũng nên tính đến việc tạo điều kiện phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân. Thứ hai, người Hàn Quốc rất tiết kiệm. Đây chính là một trong những bí quyết giúp Hàn Quốc vượt qua khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1999. Thứ ba, tinh thần dân tộc của người Hàn Quốc thể hiện rõ ở việc dùng hàng nội. Các nhà sản xuất Hàn Quốc rất chú ý đến thị trường nội địa, chất lượng hàng hóa trong nước ngang bằng hoặc tốt hơn hàng xuất khẩu.

- Năm 2001, khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ tại Hàn Quốc, nhiều chính khách và doanh nhân sở tại nói sẽ có làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào VN. Điều này đã thành sự thật. Mười năm sau, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất của ta với gần 3.000 dự án, trên 23 tỉ USD tổng vốn đăng ký. Thời gian gần đây, chính các đối tác Hàn Quốc mà tôi vẫn còn giữ mối liên hệ hoặc tham gia tư vấn cho họ đã nói họ mong muốn đầu tư có chiều sâu hơn vào VN, nghĩa là không chỉ phát triển về số lượng mà tập trung vào chất lượng, đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ...

Đơn cử Samsung đã đầu tư một nhà máy sản xuất điện thoại di động rất thành công ở tỉnh Bắc Ninh. Lâu nay họ thật lòng muốn hình thành một “căn cứ” sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao khác nhau tại đây. Đó chính là cơ hội để chúng ta tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn này. Hàn Quốc đi trước ta trong nhiều lĩnh vực, do vậy rất nhiều thứ chúng ta cần thì Hàn Quốc có, kể cả về vốn, kỹ thuật, công nghệ,...

* Từ góc nhìn của một nhà ngoại giao, ông nhận thấy động lực của làn sóng đầu tư Hàn Quốc vào VN xuất phát từ đâu?

- Một trong những yếu tố hàng đầu, theo tôi, chính là sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Có thể nói quan hệ hợp tác Việt - Hàn được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ bởi quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai bên. Tôi còn nhớ năm 2003, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống Roh Moo Hyun đã nói Việt - Hàn tăng cường đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau nhất định sẽ làm được nhiều việc lớn. Ông còn viện dẫn câu tục ngữ: “Thuận bè, thuận bạn, tát cạn biển Đông”.

Ngoài ra, cùng với yếu tố lợi ích kinh tế của cả hai bên, sự tương đồng về văn hóa cũng là một điểm quan trọng. Một người bạn của tôi là ông Yoo Tae Hyun (cựu đại sứ Hàn Quốc tại VN) sau khi hết nhiệm kỳ vẫn tiếp tục gắn bó với VN và hiện sống tại Đà Lạt. Không phải tự nhiên doanh nhân Hàn Quốc là một trong những cộng đồng doanh nhân nước ngoài đông nhất ở ta.

* Về phía VN, cần làm gì để đón được làn sóng đầu tư có chiều sâu hơn từ Hàn Quốc?

- Lâu nay, doanh nhân Hàn Quốc nhìn thấy ở VN một nước đang phát triển, tích cực hội nhập, nhân công giá rẻ, thị trường gần 90 triệu dân... Tuy nhiên, một số lợi thế trước đây nay có thể trở thành thách thức. Ví dụ như để thu hút đầu tư công nghệ cao thì chúng ta phải có lao động chất lượng tương ứng. Khi đó nhân công giá rẻ không phải lợi thế mà là thách thức nếu chúng ta không đào tạo tốt.

Ngoài ra, làn sóng đầu tư công nghệ cao còn đòi hỏi rất khắt khe đối với các yếu tố như hạ tầng, điện, công nghiệp phụ trợ... Rất nhiều thách thức mới đặt ra, trong khi đó một số vấn đề doanh nhân Hàn Quốc đã phản ảnh nhiều năm qua nhưng đến nay nhiều khi tôi vẫn còn được nghe lại như: thủ tục hành chính rườm rà, quá trình cấp giấy phép đầu tư kéo dài có những dự án đến 2-3 năm, tình trạng “trên thông nhưng dưới không thoáng”.

Tôi có suy nghĩ là chỉ những nhà đầu tư và dự án có vấn đề mới thích đi “cửa sau”, vì vậy nếu chúng ta tập trung cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, chính sự minh bạch sẽ giúp chọn lọc đầu tư tốt hơn.

* Trong quan hệ kinh tế VN và Hàn Quốc, có vấn đề gì hiện nay cần hai bên cùng vào cuộc để tháo gỡ?

- VN và Hàn Quốc hướng tới mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỉ USD vào năm 2015. Đây là con số đầy ấn tượng nếu so với mức 500 triệu USD vào năm 1992. Vấn đề hiện nay là ta nhập siêu từ Hàn Quốc còn nhiều (năm 2010 khoảng 6,7 tỉ USD). Mặc dù phía Hàn Quốc giải thích nhập siêu ở đây chủ yếu là nguyên nhiên liệu, máy móc, phụ tùng phục vụ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại VN, tuy nhiên về lâu dài hai bên cần thảo luận, có giải pháp thiết thực và phù hợp cho vấn đề này. Trước mắt tiếp tục tạo điều kiện tốt để hàng nông sản, thủy sản VN được tiêu dùng nhiều hơn nữa ở Hàn Quốc. 

* Theo ông, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên?

- Trên chặng đường bang giao, hai bên đã có những cột mốc quan trọng. Năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Hàn Quốc và hai bên đã nhất trí thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”. Năm 2009, Tổng thống Lee Myung Bak thăm VN, hai bên nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác hợp tác chiến lược”. Với quan hệ tốt đẹp hiện nay, tôi tin tưởng chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này sẽ đặt một “cột mốc” mới, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hiện có.

VN thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992, đến năm 2012 là vừa tròn 20 năm. Về thời gian có thể nói không nhiều, nhưng có thể đúc kết đây là mối quan hệ “phát triển nhanh, toàn diện và hiệu quả”. Hiện nay Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của VN.

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN thực hiện